Câu chuyện trầm hương

NÚI MẪU TỬ VÀ HÒN ĐÁ CON CỜ

26/08/2022 453 views

Núi Mẫu Tử tục gọi là Mẹ Bồng Con, cao 2.051 thước, nổi bật lên trên hàng trăm ngọn núi bao quanh. Núi tuy cao, nhưng sườn không dốc. Đỉnh núi có phần bằng phẳng và không cây cao. Một tảng đá xanh lớn đến bảy tám ôm và cao trên 15,17 thước, đứng sừng sững giữa trời, quanh năm thường có mây quấn quít. Một tảng đá thứ hai, lớn bằng nửa, đứng sát bên cạnh. Xa trông hình dạng phảng phất một người đàn bà đứng với một đứa con.

Do đó núi mệnh danh là Mẹ Bồng Con.

Tiếng “Mẹ bồng con” nói lên nghe âu yếm quá!

Truyền rằng đá Mẹ Bồng Con xưa kia là người, và những đá chung quanh là đồ dùng và thú nuôi trong nhà.

Nguyên hai vợ chồng chán cảnh rộn rịp nơi dân gian, bèn đem nhau lên núi ở. Đến ở được bốn năm, sanh được đứa con bốn tuổi. Một hôm một người bạn cũ tu tiên đắc đạo tìm đến thăm hai vợ chồng. Chủ khách mừng rỡ. Vợ lo sửa soạn tiệc rượu đãi khách, chồng ngồi nghe ban giảng phép tu tiên.

Khách bảo: Muốn cầu tiên thì phải đốt trầm hương mà khấn. Hương trầm đưa lời cầu nguyện lên cung Tam Thanh. Chư tiên đón lấy mùi hương qua mắt mũi thì biết ngay người cầu nguyện cùng ý nguyện của người cầu.

Chủ nhân hỏi: Trầm hương tìm đâu ra?

Khách đáp: Ở trong vùng núi non nầy, trong phạm vi nghìn dặm đều có. Nhưng muốn tìm trầm phải ngậm ngải mới giữ được thân.

Nói xong đưa ra một gói nhỏ và bảo: Gói ngải nầy tôi mất bao nhiêu năm mới luyện được. Tôi đến đây trước thăm cố nhân, sau vào thâm sơn tìm trầm để cầu Thiên tiên truyền phép trường sanh bất lão.

Chủ nhân nghe nói, lòng ước ao được bái yết chư tiên. Nhưng quân cờ vừa dàn xong thì nhà nghe tiếng gọi. Chủ nhân vội vào trong. Khách ngồi nắm bộ cờ: tất cả đều bằng ngà sanh, duy có một con tốt bằng ngọc bích. Khách giật mình tự nhủ: Bộ cờ nầy trong thế gian có thể có. Nhưng viên ngọc bích nầy là vật hi hữu nơi thế gian.

Đoạn cầm lên ngắm nghía và khen thầm: Không có mảy may tì vết. Nếu đem dâng cho Lão Tổ thì tất được ban ân.

Liền giấu con cờ vào tay áo.

Vừa lúc tiệc rượu bưng ra. Cuộc cờ tạm gác lại, chủ khách cùng nâng chén chung vui.

Khách vốn chay lạt lâu ngày, gặp rượu thịt thì hứng khẩu. Hết chung cạn đến chung đầy, và say lúc nào không biết, khách ngã xuống chiếu ngủ, tiếng ngáy như sấm. Thấy khách ngủ say, bèn thò tay vào bọc khách lấy gói ngải, rồi lẳng lặng ra đi…

Khách ngủ vùi đến hai ngày đêm mới tỉnh dậy. Rờ vào bọc không còn thấy gói ngải. Nhìn khắp nơi lại không thấy chủ nhân ông. Hỏi, người vợ đáp rằng bỏ đi đã hai hôm. Khách thất kinh vội băng ngàn đi kiếm.

Khách nhảy từ đầu núi nầy sang đầu núi nọ, phóng tầm mắt tìm khắp bốn phương. Núi non trùng điệp, tuyệt nhiên không một bóng người! Lòng vừa giận vừa lo, bồi hồi hoảng hốt, khách bỗng sẩy chân rơi xuống núi Tịnh Sơn vùng Sơn Hòa (Phú Yên), bỏ mạng.

Con tốt trong túi khách văng ra thành đá, và xương thịt khách biến thành những cây cổ thụ đứng che hòn đá Con Cờ.

Còn người chồng ra đi, ngậm ngải tìm trầm. Nhưng trầm không tìm thấy mà tháng ngày chỉ thấy rừng núi âm u. Lòng muốn trở về, song không thấy đường lui mà chỉ thấy đường tới. Năm nầy sang năm khác, ngải nơi miệng lần lần tan hết, và lần lần thân mọc đầy cả lông. Rồi một hôm hóa thành con cọp xám, gầm lên mấy tiêng, quay đầu chạy về chốn cũ tìm vợ con.

          Nhưng khi về đến nơi thì cảnh xưa đâu còn thấy nữa!

          Vợ con ở nhà trông chồng trông cha mỗi ngày một vắng! Lệ thảm tuôn thành suối khe và thân nắng mưa hóa thành đá. Những vật dùng vật nuôi cảm tình chủ mẫu cũng hóa đá theo hai mẹ con.

          Đối cảnh thương tâm, hổ gầm hét vang cả rừng núi. Và để vơi bớt nỗi lòng, phá gãy hết những cây cổ thụ trên đầu núi. Đoạn bỏ đi vào rừng sâu.

          (Lược trích theo “Xứ trầm hương”, 1969, Quách Tấn)    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *