Câu chuyện trầm hươngTrang chủ

SUỐI NGỔ

26/08/2022 375 views

Là dòng suối phát nguyên trên đỉnh hòn Én, chảy quanh co theo sườn núi, khuất trong đá trong cây. Khi đã ló dạng ra ngoài và cách chân chừng mươi bước, suối tuôn thẳng xuống hồ, mai mải theo triền núi và qua vào ba bậc cấp lài lài, đứng bên nầy hồ trông sang như một cây lụa bạch buông xổ. Lòng suối không rộng – chỉ độ một thước một thước rưỡi thôi – sức nước cũng không mạnh – vì bị đá ngăn chặn – nên tiếng suối không lớn, chỉ nghe rào rào như gió thổi vào rừng bàng mùa thu mùa đông.

Suối tuôn xuống hồ. Nước hồ tràn vào kẽ đá kẽ rễ cây gốc cây. Thành ra cây đá chung quanh hồ đều dầm nước ăm ắp. Qua kẽ cây kẽ đá, nước chảy ra ngoài hợp thành suối chảy vào đồng ruộng.

Chung quanh hồ và hai bên bờ suối, rau ngổ mọc đầy, mùi hương bay thơm ngát. Người địa phương thường đến hái bán. Do đó suối mệnh danh là suối Ngổ.

Phong cảnh suối Ngổ có vẻ man rợ và vô cùng vắng vẻ. Trông cách biệt hẳn với thế gian! … Đứng trước những cây cao, đá to, trong người đôi khi thấy rờn rợn. Hình thù của đá của cây khiến cho những óc giàu tưởng tượng liên tưởng đến những quái vật, những hung thần trong truyện thần thoại xưa.

Nhưng không phải vì cảnh thú mà Suối Ngổ nổi danh, mà nổi danh trước hết là nhờ có ngôi chùa bên suối. Ngôi chùa tục gọi là chùa Suối Ngổ, sắc tứ Chí Linh sơn tự.

Có nhiều câu chuyện kỳ bí xung quanh ngôi chùa này, trong số đó là câu chuyện liên quan đến kỳ nam. Biết rằng có kỳ nam trên núi, nhưng không ai dám manh tâm, bởi tin rằng của quỷ thần, và có lính canh gác.

Lính canh gác ấy là một thứ chim, không ai thấy hình dáng ra sao, cũng không ai biết rõ nhiều hay ít, mà chỉ nghe tiếng kêu. Tiếng kêu rất đặc biệt. Ban ngày nghe như tiếng mõ, ban đêm nghe tiếng chuông. Cứ kêu ba tiếng rồi nghỉ, nghỉ giây lát rồi kêu ba tiếng nữa…, đều đặn khoan thai, thường xuyên, liên tục. Tuy nghe hai thứ tiếng, và dường như chỉ có một tiếng kêu. Nhưng người địa phương bảo rằng chỉ có một thứ chim, và nhiều con kêu thay đổi. Biết được như vậy là vì hễ khi nào có kẻ gian đến gần cây kỳ nam thì tiếng chuông tiếng mõ đổ liên hồi, như chuông mõ đánh chữa lửa.

Khi tiếng chuông mõ đánh dồn thì rắn độc thú dữ kéo đến đánh đuổi. Nếu kẻ gian không bỏ lòng tham, còn trở lại nữa thì nhất định bị tai họa, không bị cọp chụp cũng bị rắn cắn. May mà chạy thoát được, về nhà vẫn sống không được yên lành.

Đó là một yếu tố nữa làm cho Suối Ngổ lừng danh

(Lược dẫn theo “Xứ trầm hương”, 1969, Quách Tấn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *