Hoạt động sản xuất trầm hương

SẢN XUẤT TRẦM HƯƠNG TỪ CÂY DÓ BẦU PHÚC TRẠCH

26/08/2022 475 views

            Nếu Quảng Nam là vùng Dó tự nhiên có chất lượng cao nhất, thì Hà Tĩnh là quê hương thích nghi với Dó trồng, loại Dó sinh ra trầm hương nhân tạo. Trong các đơn vị hành chính của Hà Tĩnh, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê được xem là địa bàn thích nghi với cây Dó tự nhiên nhất, vùng này người dân quen với tên gọi “Vùng quê Dó”. Cây Dó vốn là cây bản địa của vùng. Trước đây, cây Dó mọc tập trung trong rừng nguyên sinh; giai đoạn những năm 1970 – 1980, khi người Huế vào vùng để khai thác trầm trong rừng thì người dân mới bắt đầu nhận thức về giá trị kinh tế của nó. Do là vùng bản địa nên cây Dó con mọc tự nhiên ở khắp trong vùng. Từ những năm 1980, cây Dó được đưa vào trồng ở vườn nhà. Đến nay, gần 100% hộ dân đều trồng Dó ở khu vực vườn nhà. Các hộ có đất ngoài khu vực nhà ở cũng đều được tận dụng để trồng Dó Bầu.

            Hiện trạng sản xuất

  • Diện tích Dó trồng khoảng 300ha. Trên 98% hộ nông dân tham gia trồng cây Dó. Các hộ không trồng chiếm rất ít do gần ga Phúc Trạch, đất không có để trồng.
  • Quá trình sản xuất: gồm có 4 giai đoạn

            – Giai đoạn 1: Trồng cây con

            Cây con tận dụng tại địa phương do hạt cây Dó khi chin, rụng, mọc lên. Khi trồng không có nguyên tắc nào, có nhà trồng dày để tận dụng đất.

            – Giai đoạn 2: Tạo trầm

            Với cây Dó bị sâu đục tự nhiên, cây sẽ tạo trầm. Người dân cứ để như vậy cho đến lúc có nhu cầu thu hoạch. Từ 5 – 7 năm trở lên, tốt nhất là 10 năm, nếu quan sát không thấy cây có trầm sẽ tác động nhân tạo. Ở Phúc Trạch, người dân tác động nhân tạo bằng cách đục thân cây Dó rồi để những tác nhân tự nhiên xâm nhập, gây bệnh, kích thích cây tạo trầm. Ở thị trấn, công ty TNHH Đông Sơn dùng nhiệt để tác động nhân tạo.

             Cây Dó ở Phúc Trạch sau khi tác động nhân tạo thì ra trầm rất nhanh, 1 năm sau là  có, nhưng thường người dân để khoảng 3 năm mới bắt đầu bán.

            – Giai đoạn 3: Khai thác

            Với người dân, có những hộ cần tiền thì tỉa dân cây để bán. Có hộ bán một lúc hết vườn rồi trồng mới lại toàn bộ

            Với thương lái, mua cây Dó trong dân rồi có khi để đấy chưa cần khai thác. Để càng lâu trầm càng tốt. Trường hợp cần nhiều thì thu gom trong dân.

            – Giai đoạn 4: Xoi, gạn trầm

                        + Xoi, đục: Sử dụng dụng cụ đẽo, đục dần thân cây đến nơi có trầm

                        + Gạn trầm: Dùng các thiết bị chuyên dụng để gạn dần phần gỗ, gạn đến khi thấy trầm thì thôi.

  • Sản phẩm

– Sản phẩm thô:

           + Trầm gạn, đục: sản phẩm sau khi xoi trầm

           + Trầm cảnh: giữ nguyên hình dạng trầm trong thân cây

            – Sản phẩm nhang trầm: là sản phẩm phổ biến, gồm có: nhang dài, nhang nụ

            – Sản phẩm vòng trầm: có nhiều kích thước, mẫu mã

            – Sản phẩm tinh dầu, cao trầm: hiện nay chỉ có 1 cơ sở thành công là công ty TNHH Đông Sơn ở thị trấn Hương Khê.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây Dó Bầu

  • Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây Dó hiện nay rất đa dạng:

– Thị trường tại chỗ: Phục vụ cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn và thương lái địa phương thu mua

– Thị trường trong nước: Chủ yếu xuất đi Huế, Vạn Giã (Khánh Hòa), Sài Gòn Hà Nội.

– Thị trường nước ngoài: Chủ yếu là khu vực châu Á: Ả Rập, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng số lượng khách rất ít, và thường đi lẻ tẻ.

            Kết hợp khảo sát hiện trạng cùng với những thông tin thu thập từ người dân và chính quyền, có thể đưa ra một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất trầm hương từ cây Dó Bầu ở Phúc Trạch như sau:

  • Thuận lợi:

– Là vùng đất thích nghi của cây Dó.

– Trầm nhân tạo từ Dó Bầu Hà Tĩnh được xác định tốt nhất thế giới.

– Người dân không lo thị trường đầu ra cho cây Dó. Người dân được đảm bảo cuộc sống nhờ cây Dó. Gần 100% các hộ đều trồng cây Dó nên yên tâm về mặt an ninh. Phát triển cây Dó mà không tốn nhiều chi phí, công sức như nhiều nơi khác.

– Sản xuất sản phẩm bằng thủ công, tuy thời gian lâu, độ tinh xảo không cao, nhưng lại được nước ngoài rất ưu chuộng.

  • Khó khăn

– Cây Dó chưa được xác định là cây chủ lực của huyện, vì vậy việc đầu tư từ tuyến huyện xuống tuyến xã còn hạn chế.

– Thị trường đầu ra không tránh khỏi biến động, dễ mang đến rủi ro nếu người dân quá phụ thuộc vào cây Dó.

– Khâu trung gian giữa người dân với doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc.

– Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phân bố, chất lượng trầm.

            Qua hiện trạng và phân tích một số thuân lợi, khó khăn trên, vấn đề hiện nay mà Phúc Trạch đang phải đối mặt là việc bảo tồn vùng sinh thái cây Dó trong vùng. Các cơ quan địa phương cần tăng cường kết hợp với doanh nghiệp sản xuất và thương mại, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp và có kế hoạch cụ thể từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh để người dân tự phát làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu trầm của vùng.

Tham khảo:

  1. UBND xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
  2. UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
  3. Thông tin thu thập tại thực địa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *